PHONG TRÀO VOVINAM AN GIANG
1. Vài nét về tỉnh An Giang
An Giang là tỉnh biên giới ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có một phần nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên.
Tỉnh An Giang được thành lập từ năm 1983, gồm 2 phủ, 4 huyện. Lỵ sở của tỉnh An Giang đặt tại Châu Đốc. Năm 1868, tỉnh An Giang đổi tên thành tỉnh Châu Đốc và đến năm 1917 thành lập tỉnh Long Xuyên. Ngày 22/10/1956, chính quyền lúc bấy giờ sáp nhập tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên thành tỉnh An Giang. Tỉnh lỵ đặt tại Long Xuyên.
Đến năm 1964, chính quyền cho tái lập tỉnh Châu Đốc trên cơ sở tách ra từ tỉnh An Giang. Phần đất còn lại tương ứng tỉnh Long Xuyên trước năm 1956, tuy nhiên vẫn giữ tên tỉnh An Giang cho vùng đất này đến năm 1975.
Tháng 2 năm 1976, tỉnh An Giang chính thức được tái lập trở lại trên cơ sở hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Châu Đốc.[1]
Hiện nay, An Giang có 11 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh là thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu và 8 huyện gồm An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn.
An Giang là một trong số ít tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long có cả 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cùng sinh sống đã tạo cho bức tranh văn hóa nơi đây rất đa dạng. Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng nhưng cùng hòa chung vào dòng chảy của văn hóa dân tộc từ bao đời nay.
An Giang còn được biết đến là nơi xuất phát của một số tôn giáo nội sinh như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo… Ngoài ra, vùng đất An Giang còn nổi tiếng với những lễ hội truyền thống như lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc), lễ hội Đua bò Bảy Núi,….
2. Những chặng đường phát triển của phong trào Vovinam tỉnh An Giang
2.1. Giai đoạn trước năm 1975
Lớp võ Vovinam đầu tiên được khai giảng tại Trường Tá viên Điều dưỡng tỉnh An Giang vào tháng 9/1969. Lớp võ đã qui tụ trên 40 võ sinh do võ sư Nguyễn Văn Nhàn trực tiếp huấn luyện và sự hỗ trợ của Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt.
Sau đó, lớp võ dạy đại trà cho thanh thiếu niên học sinh (khóa I) được mở tại Trung tâm Huấn luyện Vovinam Việt Võ Đạo Long Xuyên (võ đường Long Giang, cạnh Ty Thanh niên An Giang).

Lúc bấy giờ, Ban điều hành và huấn luyện gồm có các võ sư Nguyễn Văn Nhàn, Dương Minh Nhơn, Nguyễn Văn Sen, Hoàng Minh Cường và các huấn luyện viên Nguyễn Bá Thuận, Trần Văn Thái, Huỳnh Vị Tiền Tiếp, Dương Minh Hải. Thời gian sau, võ sư Nguyễn Tôn Khoa về Long Xuyên công tác cũng tham gia vào Ban huấn luyện.
Từ cuối năm 1970, phong trào Vovinam đã lan tỏa nhiều nơi. Đầu năm 1971, với sự hỗ trợ tích cực của Ty Thanh niên tỉnh Châu Đốc, Trung tâm Huấn luyện Vovinam Việt Võ Đạo tỉnh Châu Đốc được thành lập.
Cuối năm 1971, phong trào phát triển tại huyện Tri Tôn, huyện Châu Phú (Cái Dầu). Năm 1972, Vovinam phát triển tại xã Mỹ Đức (huyện An Phú), huyện Tân Châu. Năm 1973 phong trào được xây dựng tại Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Bên cạnh đó, Vovinam còn tổ chức lớp đặc biệt tại Chủng viện Á Thánh Phụng dành cho các giáo sư, linh mục và công chức tỉnh Châu Đốc. Lúc đó, Trung tâm Huấn luyện Vovinam Châu Đốc do võ sư Pham Văn Sinh (Hoàng Minh Cường) làm Trung tâm trưởng cùng các huấn luyện viên Phan Văn Hải, Phạm Vũ Minh Sang, Trang Phước Đức, Dương Bích Thu.
Theo võ sư Phạm Văn Thành, khoảng tháng 10 niên khóa 1970 – 1971, quận Thốt Nốt, Long Xuyên tỉnh An Giang, có 2 điểm tập.
Điểm một đặt tại Trường Trung học công lập ́Đệ I cấp, dạy vào các buổi chiều gồm các huấn luyện viên và phụ tá huấn luyện viên Nguyễn Tấn Thành (Thành già), Phạm Văn Thành (Thành nhỏ), Trần Khánh Hội, Nguyễn Trung Trường.
Điểm hai do Phạm Văn Thành dạy lớp đại chúng tại sân quần vợt trước cổng bệnh viện. Lớp tập ban đ̀ầu dạy buổi chiều, về sau dạy thêm buổi sáng.
Đến tháng 6/1971, võ sư Nguyễn Văn Nhàn và võ sư Nguyễn Văn Sen thành lập Trung tâm huấn luyện Vovinam Việt võ đạo Cần Thơ (lúc đó là tỉnh Phong Dinh) và thường xuyên hoạt động tại đây. Võ sư Dương Minh Nhơn và võ sư Nguyễn Tôn Khoa phụ trách các điểm tập tại thị xã Long Xuyên. Thời gian sau, võ sư Dương Minh Nhơn qua phụ trách phong trào Vovinam tại tỉnh Kiên Giang cùng với huấn luyện viên Danh Ky.
Đến đầu năm 1972, phong trào phát triển rộng, Tổng cục Huấn luyện ở Sài Gòn tăng cường thêm các huấn luyện viên Trần Văn Thành, Nguyễn Ngọc Phước.

Trong khoảng thời gian từ tháng 9/1969 đến tháng 4/1975, phong trào Vovinam An Giang đã không ngừng phát triển về chất và lượng. Nhiều lớp môn sinh tâm huyết với lý tưởng môn phái được đào tạo, nhiều cuộc biễu diễn hỗ trợ cho tỉnh bạn và quảng bá môn phái được tổ chức. Các điểm tập liên tiếp được mở rộng, thu hút đông đảo môn sinh.
Từ những nhân tố được đào tạo, bồi dưỡng về võ thuật và võ đạo đã gia nhập vào Trung tâm Huấn luyện và tham gia huấn luyện tại một số điểm tập như Trung học Kỹ thuật An Giang, Trung học Thoại Ngọc Hầu, Trung học Chưởng Binh Lễ, Chủng viện Teresa, Trung học Đoàn Công Quý, Đại học Hòa Hảo, thị trấn Thốt Nốt, thị trấn Chợ Mới, thị trấn Mỹ Luông, v.v.
2.2. Giai đoạn sau năm 1975
Do thời cuộc, sau ngày 30/4/1975, các hoạt động tạm thời lắng đọng.
Qua 10 năm, đến tháng 6/1985, với tấm lòng rất thiết tha với môn phái, tại Nhà Văn hóa thị xã Long Xuyên, dưới lớp võ Thái cực đạo, một số môn sinh từ thập niên 70 gồm Ngô Hí Xuân, Phạm Lương Thịnh, Nguyễn Điền Dũng, Nguyễn Văn Lượm, Lý Thanh Đức, Trương Gia Quảng, Trương Gia Hùng (Tâm), Nguyễn Ngọc Son, Hồ Phú Dũng… đã liên lạc với nhau cùng ôn luyện lại bài bản, mặc dù điều kiện còn rất nhiều khó khăn.
Tháng 10/1985, lớp Vovinam Việt Võ Đạo được khai giảng trở lại với gần 400 võ sinh đăng ký tập luyện dưới tên Võ Việt Nam.
Phong trào Vovinam được khôi phục. Tại Long Xuyên, các trường học được huấn luyện Vovinam như Trường Trung học Sư phạm An Giang (về sau là trường Cao đẳng và hiện nay là Đại học An Giang), Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, Trung học cơ sở Bùi Hữu Nghĩa, v.v… Tại Châu Đốc, huấn luyện viên Lý Ngọc Phước, Nguyễn Thị Bích Thu mở lớp tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu và Trung học phổ thông Thủ Khoa Nghĩa.
Từ đây, Vovinam An Giang đã phát triển thêm về mặt nhân sự và lan tỏa đến nhiều huyện thị trong tỉnh.
Cuối năm 1993, Vovinam An Giang đã tổ chức Lễ Khai phá do võ sư Dương Minh Nhơn (1949 – 1996) điều hành, tạo tiếng vang và sự quan tâm của địa phương, nhất là Sở Thể dục thể thao tỉnh An Giang đã tích cực hỗ trợ.
3. Liên đoàn Vovinam tỉnh An Giang và những thành quả đạt được
Tháng 4/2009 Ban vận động thành lập Liên đoàn Vovinam tỉnh An Giang do các võ sư, cựu môn sinh và thân hữu có tâm huyết với môn phái được tổ chức.
Được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Liên đoàn Vovinam tỉnh An Giang được thành lập. Đại hội diễn ra vào sáng 27/12/2009 tại Nhà Thiếu nhi tỉnh An Giang với sự tham dự của trên 200 đại biểu và khách mời. Đại hội đã thông qua Điều lệ, phương hướng hoạt động và bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ I (2009 – 2014) gồm 31 ủy viên.
Hội nghị Ban chấp hành lần thứ I đã bầu 11 ủy viên thường vụ, trong đó ông Lê Thành Tân – Phó Trưởng Ban Văn hóa Xã hội – Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang – được tín nhiệm vào chức vụ Chủ tịch; Các Phó Chủ tịch gồm ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh An Giang; bà Đặng Thị Hoa Rây – Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội, Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh An Giang; ông Nguyễn Phong Hóa – Phó giám đốc Ban dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh An Giang; ông Nguyễn Điền Dũng – Ban huấn luyện Vovinam thành phố Long Xuyên; ông Huỳnh Công Vũ – Trưởng bộ môn Vovinam Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang. Võ sư Nguyễn Văn Lượm – Ban huấn luyện Vovinam huyện Chợ Mới – đảm nhận chức vụ Tổng thư ký.

Trong suốt 10 năm hình thành và phát triển, Liên đoàn Vovinam An Giang đã gặt hái được những thành công đáng kể và giúp phong trào trên địa bàn phát triển không ngừng.
Những ngày đầu thành lập, Liên đoàn Vovinam An Giang có 15 võ sư, 24 huấn luyện viên, hướng dẫn viên, tổ chức tại 5 huyện, thị với 832 người tham gia tập luyện. Sau 10 năm, số lượng võ sư đã tăng lên 23 người, cùng với đó là 192 huấn luyện viên, hướng dẫn viên. Đáng chú ý, số lượng võ sinh tham gia tập luyện Vovinam tính đến cuối tháng 4/2019 có 2502 người trên khắp các địa phương trong tỉnh.
Hàng năm, Liên đoàn tổ chức thường xuyên 2 khóa thi Trung đẳng và 4 khóa thi Sơ đẳng cho các cấp cơ sở, tham dự thi Cao đẳng khi xét các huấn luyện viên nếu đủ điều kiện .
Những con số trên đã thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Vovinam tỉnh nhà trong suốt thời gian vừa qua. Cùng với sự gia tăng về số lượng, Liên đoàn cũng đã tổ chức nhiều giải đấu để tạo sân chơi cho các võ sinh. Điển hình như tổ chức và phối hợp thành công các giải Vovinam cấp huyện, thành phố, Hội khỏe Phù Đổng; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang tổ chức thành công giải trẻ Vovinam tỉnh An Giang.
Bên cạnh số lượng, chất lượng của phong trào từng bước được nâng lên. Tính từ năm 2010 đến 2018, đội tuyển đã đạt tổng cộng 181 huy chương các loại gồm 71 HCV, 38 HCB, 71 HCĐ.
Trong đó, thành tích nổi bật có thể kể đến 2 HCV Giải vô địch thế giới, 1 HCV Giải vô địch châu Á, 3 HCV Giải vô địch Đông Nam Á, 2 HCV SEA Games 2013 và 7 HCV tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc.

Đặc biệt, bên cạnh những võ sư kỳ cựu nhiều năm gắn bó với phong trào như võ sư Nguyễn Điền Dũng, võ sư Nguyễn Văn Lượm, võ sư Lý Thanh Đức, võ sư Lữ Văn Tâm (Hùng mập), võ sư Lý Ngọc Phước, võ sư Trương Gia Quảng (Lư Quảng), võ sư Phạm Lương Thịnh, võ sư Ngô Hí Xuân, võ sư Nguyễn Ngọc Son,… còn có các võ sư, huấn luyện viên, vận động viên trẻ đã đóng góp nhiều công sức trong quá trình quảng bá phong trào ở An Giang như Trần Quang Minh, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Văn Cần, Hồ Minh Trí, Trần Văn Cường, v.v.
Ngày 5/5/2019, Liên đoàn Vovinam tỉnh An Giang tổ chức đại hội khóa II, nhiệm kỳ 2019 – 2023 tại Hội trường Tỉnh đoàn An Giang. Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới/Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam; lãnh đạo Hội đồng nhân dân; các sở, ban, ngành, các võ sư, môn sinh Vovinam tiêu biểu tỉnh An Giang cùng tham dự.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 29 ủy viên. Ông Lê Thành Tân (đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang) – tái đắc cử Chủ tịch Liên đoàn Vovinam tỉnh An Giang khóa II, nhiệm kỳ 2019 – 2023; các Phó chủ tịch gồm ông Võ Bình Thư (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang), võ sư Nguyễn Điền Dũng, Lý Ngọc Phước, ông Huỳnh Công Vũ; Tổng thư ký là võ sư Lý Sơn Hùng, 2 võ sư Nguyễn Thị Thanh và Trần Quang Minh đảm nhận nhiệm vụ Phó Tồng thư ký…
4. Định hướng phát triển
Bước sang nhiệm kỳ mới, Liên đoàn Vovinam An Giang đã định hướng một số mục tiêu chủ yếu.
Đẩy mạnh phong trào luyện tập Vovinam rộng khắp tỉnh An Giang theo chủ trương xã hội hóa thể dục thể thao, góp phần giáo dục và rèn luyện nhân cách, thể chất cho thanh thiếu niên.
Thực hiện chương trình huấn luyện, thi thăng cấp, thi đấu theo hướng dẫn của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo và Liên đoàn Vovinam Việt Nam.
Xây dựng và đào tạo huấn luyện viên, vận động viên từ các điểm tập, câu lạc bộ đến cấp huyện, tỉnh nhằm đào tạo nhân sự phát triển rộng khắp phong trào Vovinam trong thời gian tới, đặc biệt trong các trường học.
Tăng cường quan hệ, giao lưu với các Liên đoàn Vovinam tỉnh bạn và Vovinam Việt Nam. Từ đó, đúc kết kinh nghiệm và nâng cao trình độ chuyên môn, đưa phong trào Vovinam tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh.
Ông Lê Thành Tân – Chủ tịch Liên đoàn Vovinam An Giang chia sẻ “Những năm gần đây, Vovinam là một trong những môn võ phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh phát triển phong trào, bộ môn đã có những định hướng phát triển môn võ thuật truyền thống này khá hiệu quả. Đến nay, Vovinam đã trở thành môn thể thao thế mạnh của An Giang trong các giải đấu trong nước và cả quốc tế. Có thể nói, phong trào Vovinam An Giang đang phát triển đúng hướng và trong nhiệm kỳ mới, Liên đoàn đã đề ra những nhiệm vụ mới với mong muốn đưa Vovinam An Giang vươn xa hơn nữa…”.
12/2019
Liên đoàn Vovinam tỉnh An Giang